Ngành y tế huyện Tân châu - 30 năm hình thành và phát triển
Ngành y tế huyện Tân Châu– 30 năm hình thành và phát triển
( 1989- 2019)

Thực hiện Công văn số 21/TND ngày
23/1/2019 của Ban tổ chức Lể kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Tân Châu báo cáo các nội
dung phục vụ xây dựng đặc sản kỷ niệm
30 năm thành lập huyện Tân Châu.
Được sự phân công của Ban
Tổ chức, Phòng Y tế chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và tham khảo
các ý kiến các Đồng chí đã và đang công tác trong ngành y tế, ( xin được
nghiêng mình , thành khẩn với các đấng sinh thành qua 30 năm thành lập, xây
dựng và phát triển ngành y tế). Xin báo cáo kết quả xây dựng và phát
triển mạng lưới y tế, các mục tiêu chương trình y tế Quốc gia, công tác khám
chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và
phát triển đội cán bộ y tế… trên địa bàn huyện từ ngày thành lập đến nay
|
|
30 năm thành lập - chặng đường chưa
dài nhưng cũng đủ để hiện hữu sự trưởng thành và phát triển của ngành y tế
huyện nhà. Từ một hệ thống y tế vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu
chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhưng sau 30 năm với bao nốt thăng, nhịp
trầm của thời gian, đến nay y tế huyện nhà đã có những bước phát triển rõ rệt,
được đánh giá là một trong những địa phương có chất lượng y tế cao của tỉnh.
Đến thăm Trung tâm Y tế huyện
hôm nay, với các công trình cao tầng, hiện đại được xếp hạng II với hướng mở,
trở thành bệnh viện xanh - sạch - đẹp, bệnh viện thân thiện và thăm trạm y tế
12 xã, thị trấn trong huyện... hẳn nhiều người còn ngỡ ngàng bởi sự “thay
da đổi thịt” của ngành Y tế. Nhìn những thành quả hôm nay ai có thể tin được,
những năm vừa mới thành lập huyện, bộ mặt Y tế huyện nhà hết sức sơ sài. Nhớ
lại, những năm 1989, khi Trung tâm Y tế ( TTYT)
huyện thành lập tại trạm y tế của xã Thạnh Đông thuộc TTYT huyện Tân
Biên, sau là TYT thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu năm 1990 ( tại khu vực nhà
Kho bạc bây giờ) TTYT huyện lúc đó có duy nhất một dãy nhà tầng trệt, có diện
tích > 120m2 ( gòm 5 phòng : phòng làm việc, phòng khám, phòng SĐKH, phòng
HSCC , và phòng nội trú CBCNVC) được xây dựng từ đầu những năm 80, phục vụ công
tác cấp cứu và ngoại sản, còn lại là các dãy nhà cấp 4 tạm bợ, được xây dựng từ
những năm 70, 80 đã xuống cấp, xập xệ, trang thiết bị phục vụ chuyên môn thiếu
và không đồng bộ; đội ngũ cán bộ, viên chức trong ngành thiếu về số lượng, yếu
về tay nghề chuyên môn; mạng lưới y tế cơ sở lạc hậu… Tất cả đã ảnh hưởng không
nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành y tế được giao. Khó
khăn chồng chất khó khăn, nhưng trong những cái khó ấy, từ sự quyết tâm thay
đổi diện mạo ngành cùng với trái tim người thầy thuốc “Lương y như Từ Mẫu”, các
cán bộ, viên chức ngành y tế huyện nhà đã đoàn kết, nỗ lực không ngừng để xây
dựng ngành từng bước phát triển.
Đã qua 03
thập kỷ, thành quả lớn lao về kinh tế - xã hội mà toàn huyện đạt được là
một bước chuyển mình vượt bậc, trong sự phát triển chung đó, ngành y tế cũng đóng
góp phần tích cực tạo được một dấu ấn riêng. Một trong những sự thay đổi đáng
ghi nhận của Y tế huyện nhà được thể hiện rõ nét qua hệ thống cơ sở vật
chất, trang thiết bị y tế. Nếu như những năm 1989, cơ sở vật chất từ Trung Tâm
xuống trạm y tế các xã, thị trấn còn nghèo nàn, lạc hậu, thì đến nay năm 1994 Trung
tâm Y tế huyện đã chuyển đến khu vực trung tâm của huyện tại Khu phố 4, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu
có vị trí “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa ”, qua những năm luôn được sự quan
tâm lảnh đạo, chỉ đạo của các cấp, hiện tại Bệnh viện huyện khang trang, sạch
đẹp, với 02 khu nhà cao tầng và đầy đủ các phòng chức năng phục vụ tốt cho công
tác khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Trước kia, bệnh viện huyện chỉ có 50
giường bệnh đến nay được mở rộng với quy mô 150 giường bệnh. Năm 1994, khi
huyện tái lập thiết bị ban đầu mà Trung tâm Y tế huyện có được là một chiếc máy
X - quang nửa sóng và chỉ thực hiện những kỹ thuật đơn giản, nhiều trường hợp
phải chuyển lên tuyến trên vì trang thiết bị y tế và trình độ bác sỹ lúc đó còn
rất hạn chế. Đến nay, cùng với nguồn vốn từ nhà nước và hình thức xã hội hóa
thu hút đầu tư cho y tế, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư, đưa
vào phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh như: máy điện giải đồ, máy thở
CPAP hỗ trợ cấp cứu, hồi sức tích cực; Máy phân tích huyết học 23 thông số, máy
xét nghiệm sinh hóa tự động, máy hút áp lực thấp chạy điện, máy khí rung siêu
âm... Song song với đó, Trung tâm Y tế huyện đã không ngừng triển khai các kỹ
thuật mới, tăng cường tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên theo đề án
1816 như: chụp X – quang kĩ thuật số, mổ đẻ lần 2, cắt tử cung bán phần, cắt u
nang buồng trứng, mổ cấp cứu chửa ngoài tử cung, mổ tháo nẹp vít... Đặc biệt,
nếu nhiều năm về trước, máy siêu âm được coi là “xa xỉ” ở bệnh viện tuyến
huyện, thì nay, ngay ở tuyến xã, người dân đã được thụ hưởng dịch vụ này
góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, nâng cao tính công bằng trong
tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Không chỉ ở tuyến huyện mà
ngay tại trạm y tế cơ sở, cũng có sự thay đổi nhanh chóng. Những năm trước đây,
không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những trạm y tế dột nát, ẩm thấp, sập sệ.
Thế nhưng từ năm 2011, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
nông thôn mới, hệ thống các trạm y tế ở các xã, thị trấn trong huyện ví như
được lột xác, y tế xã được quan tâm đầu tư một cách mạnh mẽ, từ việc cải tạo cơ
sở hạ tầng, đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hoàn toàn các trạm y tế xã, đến
việc mua sắm hệ thống trang thiết bị. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trong
huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bên cạnh sự phát triển của hệ thống cơ sở vật
chất, phải kể đến sự thay đổi về lượng cũng như về chất của đội ngũ cán bộ
y tế. Nếu như năm 1989, Y tế huyện nhà mới chỉ có 68 cán bộ y tế, trong đó có
04 bác sỹ ( 01 bác sỹ giám đốc, 01 bác sỹ P.giám đốc, 01 bác sỹ trưởng khoa
HSCC, 01 bác sỹ Đội trưởng y tế dự phòng), còn lại là trình độ cao đẳng, trung
học và sơ học thì đến nay toàn nghành Y tế huyện nhà đã có 273 cán bộ y tế gồm
: Phòng y tế, TTYT huyện, TTDSKHH gia đình, Hội Đông y huyện, trong đó có 13
trình độ sau đại học và 30 bác sỹ, hiện đang đào tạo 17 BS, DS đại học.
Được sự đầu
tư về cơ sở vật chất, công tác khám, chữa bệnh và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân
dân của ngành y tế huyện, 30 năm qua đã có nhiều cải tiến, chất lượng khám,
chữa bệnh được nâng lên đáng kể. Những năm qua ngành y tế đã tập trung đầu tư
và triển khai hàng loạt kỹ thuật chuyên khoa mũi nhọn, góp phần giúp nhân dân
địa phương được tiếp cận với dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại. Cùng với nguồn
nhân lực được tăng cường, trung tâm thường xuyên cử cán bộ đi dự các lớp đào
tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn theo dự án các chuyên khoa sâu như
hồi sức cấp cứu, ngoại sản tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương.
Nhờ đó, các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện đã có thể thực hiện thành công
nhiều ca phẫu thuật khó, làm chủ được nhiều kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm
sàng, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Tính đến hết năm 2018, Trung
tâm y tế đã thực hiện được 81,21 % số danh mục kỹ thuật phân tuyến hạng II
và 387 kỹ thuật vượt tuyến. Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh cuộc vận động
học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới toàn thể cán
bộ, nhân viên y tế trong ngành, phong trào “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ
của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được triển khai sâu rộng,
tạo hiệu quả mạnh mẽ ở khắp các đơn vị y tế. Song song với đó, là việc cải cách
quy trình khám chữa bệnh theo hướng nhanh gọn hơn, thủ tục hành chính được tinh
giảm từ 12 bước trước đây xuống còn 6 bước, giúp cho thời gian khám bệnh giảm
xuống hiện tại không quá 0,5 giờ /1 người bệnh. Nhờ những đổi mới trong quy
tắc, lề lối làm việc của các y bác sỹ mà tỷ lệ bệnh nhân thăm khám và điều trị
tại bệnh viện thay đổi rõ rệt. Những năm 1989, lưu lượng bệnh nhân bình quân
đến khám tại bệnh viện là khoảng 150 bệnh nhân/ ngày, điều trị từ 50 – 60 bệnh
nhân trên ngày. Nhưng đến nay, đã có sự thay đổi đáng kể, người bệnh cảm thấy
hài lòng và yên tâm khi đến khám và chữa bệnh tại trung tâm. Trung bình một
ngày Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận từ 450 đến 600 bệnh nhân đến thăm khám và
khoảng 50 – 80 bệnh nhân đến điều trị
bệnh nội trú.
Cảm nhận sâu
sắc sự đổi thay của ngành y tế huyện nhà, nhiều Đảng viên , gia đình diện chính
sách, người nghèo, người dân tộc chia sẻ: “Tôi thấy ngành y tế huyện nhà sau 30 năm thay đổi rất
nhiều, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ y bác sỹ y tế. Tôi nhớ, những năm 1989,
khi bệnh viện huyện cũ tại TYT thị trấn, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn,
thiếu thốn đủ thứ. Khi đó, tôi nằm điều trị ở dãy nhà cấp 4 đằng sau. Những hôm
mưa to, gió lớn là nước ngập vào tới tận cửa, dột hết nền nhà đi lại rất vất
vả. Trời tháng 4, tháng 5 thì oi bức, ngột ngạt, rất khó chịu. Còn hệ thống
Trạm y tế xã lúc ấy thì sơ sài và chủ yếu chỉ phục vụ công tác đỡ đẻ. Nhưng đến
bây giờ, y tế huyện nhà và các trạm y tế xã thực sự khởi sắc, từ hệ thống trạm
y tế đến trung tâm y tế huyện đều được đầu tư xây mới, khang trang, sạch đẹp.
Đặc biệt, đội ngũ y bác sỹ của ngành ngày càng đông đảo và có chất lượng rất
tốt, thái độ phục vụ bệnh nhân thì rất nhiệt tình, niềm nở nên người dân chúng
tôi rất là yên tâm và phấn khởi đến điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh
trong huyện mà không cần phải lên tuyến trên.”
Bên cạnh hoạt động khám, chữa
bệnh, công tác y tế dự phòng cũng được quan tâm và đạt được những kết quả đáng
khích lệ. Nếu như những năm đầu tthành lập huyện, đường đi lại khó khăn, cơ sở
hạ tầng chưa xây dựng, CBYT phải sống chung với nhà dân, công tác khám, chữa
bệnh, thực hiện mục tiêu chương trình y tế, công tác phòng chống các loại dịch
bệnh vô cùng khó khăn, công tác y tế dự phòng chưa có điều kiện quan tâm đúng
mức dẫn đến tỷ lệ trẻ tiêm phòng thấp, thì đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi
được tiêm chủng đầy đủ miễn dịch đạt 99,5%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh
dưỡng giảm qua các năm. Hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được củng cố
từ huyện đến cơ sở, thường xuyên giám sát hoạt động tại cộng đồng. Hệ thống Dân
số - KHHGĐ từ huyện đến xã, thôn tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, hoạt động
có hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm sinh, Tỷ lệ phát triển
dân số tự nhiên giảm xuống còn
0,77% năm 2018, góp phần từng bước nâng cao chất lượng và cơ cấu dân số.
Nói về, mục tiêu, giải pháp
của ngành y tế huyện nhà trong những năm tiếp theo, Bà Võ Thị Ngọc Mai –
Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện hiện nay cho biết:“Về công tác phòng
bệnh thì làm sao không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, bao
vây và dập tắt dịch bệnh. Đồng thời về công tác khám chữa, bệnh thì phải phát
triển các dịch vụ kỹ thuật ngày càng cao hơn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân
trong huyện. Để đạt được những mục tiêu đó, thì chúng tôi sẽ tăng cường nguồn
nhân lực chất lượng cao, cả về số lượng và chất lượng. Thứ hai, là phát triển
cơ sở hạ tầng, tiếp tục củng cố và xây dựng cơ sở mới của trung tâm, phát triển
thêm một số khoa phòng mới, đưa các kíp thầy thuốc đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ
thuật y khoa từ các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và tuyến trung ương và một
vấn đề quan trọng nữa thực hiện văn hóa ứng xử, thực hiện tốt 12 điều y đức,
tạo được sự hài lòng đối với người bệnh.”
Có thể nói, những thành tựu ngành y tế huyện nhà đạt được ngày hôm
nay, là công sức, trí tuệ, và sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể đội ngũ
cán bộ y tế với tấm lòng lương y, tận tụy, hết lòng với sự nghiệp chăm sóc sức
khỏe nhân dân. Ngành y tế huyện đã và đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt
nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ
niệm 30 năm thành lập huyện Tân Châu , tỉnh Tây Ninh.
Trân trong./.
Tân Châu, ngày 11 tháng 03 năm 2019
TẬP THỂ
CÁN BỘ NGÀNH Y TẾ HUYỆN